Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Phong Thủy - Tạo dựng Bất Động Sản


   Xưa, những gia đình, dòng họ danh gia vọng tộc, khi tìm đất cất nhà, phong thủy là vấn đề đầu tiên được xem xét. Vị trí lựa chọn là nơi có dòng nước uốn quanh, đằng sau xa xa có đồi hoặc núi án ngữ. Ngôi nhà gắn với thiên nhiên, có màu xanh cây lá, có dòng nước mát dịu, nhà tôn cảnh, cảnh làm nổi bật nhà. Địa thế làm nhà như vậy là để đón nhận khí thiêng của sông núi, tinh hoa của mặt trời mặt trăng. Không gian khoáng đạt thuận lợi cho việc tu tâm dưỡng tính, rèn luyện ý chí.

Nay, điều kiện tìm đất tốt để  tạo dựng bất động sản có giá trị để ở và kinh doanh phải làm thế nào khi cảnh đất chật người đông. Xã hội phát triển nghiêng về vật chất, con người nhìn thế gian thường dựa trên giá trị của từng sự vật. Việc đầu tư vào bất động sản nếu chỉ căn cứ vào quan điểm của cá nhân mà phán đoán và đánh giá thì sẽ dễ mắc sai lầm. Muốn đánh giá chính xác giá trị của một bất động sản cần phải phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau theo những quan điểm khác nhau. Việc lựa chọn quan điểm nào là vấn đề vô cùng quan trọng, đặc biệt là để tránh tổn thất khi quyết định đầu tư.
            Ở bài viết này chúng tôi giới thiệu tới độc giả một số quan điểm của phong thủy trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư để từ đây độc giả có thêm tiêu chí cho việc tạo ra những bất động sản có giá trị.
            Theo Phong thủy học để tìm được vị trí và làm thế nào để biết chúng có giá trị đầu tư hay không đấy là việc phải nắm được vận_khí địa điểm. Cuộc đất (địa điểm) tốt là nơi có nhiều Sinh Khí, Ở góc độ Phong thủy bất động sản Sinh khí được sinh ra khi có sự điều hòa giữa Thiên, Địa, Nhân gọi là tam tài. Quan niệm của người xưa khí có ba loại là Thiên Khí, Địa Khí và Nhân Khí có ảnh hưởng tưng ưng theo bảng sau:
THIÊN KHÍ
ĐỊA KHÍ
NHÂN KHÍ
THIÊN VĂN
ĐỊA LÝ
NHÂN SỰ
THỜI GIAN
KHÔNG GIAN
NHÂN GIAN

Bất động sản với Thiên khí là bàn đến thiên văn đến thời gian chính là nói đến Thời Vận.
Bất động sản với Địa Khí là nói đến yếu tố Không Gian bởi vì nếu muốn kinh doanh thành công thì phải có địa điểm kinh doanh tốt.
            Bất động sản với Nhân Khí là nói đến yếu tố con người, giá trị bất động sản thay đổi theo mục đích sử dụng.
            Như vậy một địa điểm tốt để đầu tư bất động sản phải đáp ứng được sự hài hòa của Thiên Địa Nhân, ở đây chúng tôi đưa ra bốn yếu tố quan trọng theo phong thủy học bất động sản mà các nhà đầu tư phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định đầu tư:
1.      Phong Thuỷ (Yếu tố về địa lý): Đầu tiên Là việc xem xét Thủy Khẩu, sau đó tìm hiểu hình thế của đất rồi quan sát hình dáng công trình xung quanh, xem xét hệ thống cấp thoát nước. Cuối cùng là quan sát núi và mặt nước
2.      Môi trường kinh doanh(Yếu tố sinh lợi): Căn cứ vào mục đích ngành nghề kinh doanh mà lựa chọn địa điểm phù hợp nhằm giảm chi phí để có lợi thế cạnh tranh.
3.      Văn hóa (Yếu tố nhân tâm): Khổng tử nói rằng: “ Nơi có nhân tâm hiền hòa là nơi đất tốt”. Khi tìm nơi sinh sống, nếu không chọn nơi có phong tục tốt thì không những chỉ phương hại đến bản thân mà còn tiêm nhiễm thói hư tật xấu cho con cháu.
4.      Cảnh quan (Yếu tố Sơn Thủy): Núi sông làm cho tinh thần thoải mái và tâm tính ôn hòa.
Như vậy cuộc đất tốt phải được xem xét dựa trên điều kiện tổng quát lẫn đặc thù. Điều kiện tổng quát là điều kiện mang tính lý luận chứ không rõ ràng cụ thể như điều kiện đặc thù. Theo điều kiện tổng quát thì đất tốt là địa điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố mà chúng tôi gọi là điều kiện của Tứ Thần Sa (Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Minh Đường). Nếu theo quan sát thì bên trái là Thanh Long, bên phải là Bạch Hổ, phía trước là Chu Tước, phía sau là Huyền Vũ. Vì thế mà phong thủy âm trạch có câu: Tả Thanh Long , hữu Bạch Hổ, thượng Chu Tước, hạ Huyền Vũ.
Tứ thần sa thế nào là hợp cách?.
Phong thủy xưa quan niệm Thanh Long phải uốn mình ( Long chầu), Bạch Hổ thuần phục (Hổ phục), Chu tước bay lượn, Huyền vũ cúi đầu. Tất cả để tạo ra thế Tàng Phong, cách cục Tích Thủy.
Ngày nay tiêu chí cho một địa điểm tốt là nơi đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết cho từng loại ngành nghề và người sử dụng. Giá trị của bất động sản sẽ thay đổi tùy theo mục đích sử dụng. Con người là một yếu tố cấu thành nền tảng Phong Thủy do đó khí vận của người và đất phải hợp nhau. Nếu đất mang khí Thủy và người mang khí Hỏa tương khắc thì sẽ không tốt.
Khi tìm kiếm đất để xây dựng và đầu tư bất động sản điều quan tâm hàng đầu phải là ‘Ngũ sát tiễn địa’ bao gồm : Mộc sát, Phong Sát, Thổ sát, Thạch sát và Thủy Sát. Trong đó Phong sát là gió mang sát khí thuộc Hỏa. Nếu con người gặp phải phong sát thì có thể bị trầm cảm, còn nơi nhận phong sát sẽ dễ xảy ra hỏa hoạn. Thủy sát  là hệ thống thủy lợi và giao thông nếu bố trí không đúng cách sẽ gây ra sự thoát khí.
Bài toán đặt ra nếu không có điều kiện tìm được các cuộc đất tốt thì chúng ta phải làm gì để các bất động sản này có giá trị hơn theo quan điểm phong Thủy?
Thật vậy, ngày nay không có địa điểm nào hội tụ được đầy đủ tất cả các yếu tố và điều kiện theo lý thuyết Phong Thủy truyền thống. Vấn đề đặt ra là phương cách sử dụng phải bổ khuyết và làm vượng các ưu điểm của đất. Phong thủy học gọi phép làm khí vận yếu mạnh lên và quá mạnh thì phải nén xuống là phép Vượng Khí và phép Ngã Khắc.
Phép Vượng Khí phong thủy dựa trên sự kết hợp tương hỗ giữa yếu tố văn hóa với núi, sông và hướng được phân thành bảy loại như sau: Long Mạch,Tàng Phong,Tích Thủy,Hình dáng bố cục,Che lấp hung tướng, Ngừa hỏa khí, Thủy Khẩu.
Ngoài ra việc thiết kế xây dựng kiến trúc tại một địa điểm sẽ làm thay đổi khí vận ở nơi đó, nếu chọn sai vị trí hay áp dụng quy mô, hình thái, nguyên liệu không phù hợp sẽ tạo ra các sát khí. Phương pháp khả thi là dùng phép vượng khí và ngã khắc theo khí. Đây là cách áp dụng các lý thuyết nền tảng về Dịch học với thuyết Âm Dương, Ngũ hành. Tức là dùng thuyết ngũ hành tương sinh tương khắc, tịnh âm tịnh dương, âm dương giao hòa, cực âm, cực dương, thiếu âm thiếu dương để vượng khí.
 (Trên đây, chúng tôi đã đưa ra một số khái niệm cơ bản của Phong thủy học trong bất động sản. Ở bài viết tiếp theo chúng tôi sẽ giới thiệu về các phép Vượng Khí Bất động sản dựa vào Kiến trúc, Tượng, Vật…)
Bài đăng trên tạp chí Thế Giới Ảnh số 111 năm 2011 của VCCI

Bút giả: KTS. Nguyễn Việt Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét