Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Tham luận định hướng kiến trúc Phật giáo VIệt Nam

Văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng
------------------
Bài tham luận:
ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH THIẾT KẾ KIẾN TRÚC CHÙA VIỆT THEO NGUYÊN LÝ TỪ TƯỚNG TỚI TÍNH
(Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng)

Bàn về quy trình thiết kế, quy hoạch kiến trúc chùa Việt, là nói đến việc định hướng để giải quyết vấn đề trùng tu, xây dựng từ đúng đến đẹp. Đúng ở đây là Nhân, Đẹp là Quả. Nguyên lý Từ đúng đến đẹp xuyên suốt quá trình tôn tạo xây dựng chùa Việt là cốt lõi của bài tham luận này. 
Trước tiên giải thích đề mục: 
Định hướng - quy hoạch thiết kế kiến trúc - chùa Việt - theo nguyên lý - từ Tướng – tới Tính.
1- Về khái niệm “Định hướng”: giới hạn ở bài tham luận này chỉ nêu lên ý niệm về nguyên lý thiết lập đạo tràng tu học chân chính, Sở-duyên-duyên này là môi trường hỗ trợ cho chúng sinh tu Phật. 
2- Về vấn đề quy hoạch thiết kế kiến trúc: tham luận nêu lên quy trình để vật chất hóa ý niệm về không gian kiến trúc chùa Việt đương đại, đúng và đủ theo bố cục của thất đường Già Lam.
3- Bản sắc chùa việt: Tổng quan ý tưởng thiết kế chung các loại hình kiến trúc chùa Việt nam, từ chùa đồng bằng, chùa núi đến chùa phố…
4- Khái niệm "theo" là Phương tiện, cụ thể theo tứ tất đàn
- Vị nhân tất đàn: căn cứ vào căn cơ, thói quen và niềm tin của mọi người mà lựa chọn mô hình kiến trúc phù hợp.
- Thế giới tất đàn: thuận theo văn hóa địa lý, thiên văn thời tiết và môi trường địa chính trị xã hội mà thiết lập quy mô, nội dung sai biệt.
-  Đối trị tất đàn: Thuận theo hư huyễn mà lập
- Đệ nhất nghĩa đế tất đàn : Theo tướng để ly tướng, đạt được nhận thức căn bản về sự giác ngộ.
5- Nguyên lý: Bài tham luận này lập theo pháp Nhân Minh. Lập Tông là nói đến trạng thái, cảnh giới Giác ngộ của Chư Phật, Tổ. Lập Nhân là nói đến Bản tâm vốn đầy đủ không thừa không thiếu. Chúng sinh chỉ có thừa là do tam độc Tham-Sân-Si. Lập Dụ là việc thiết kế quy hoạch cảnh Chùa Việt làm duyên cho chúng sinh nhật thức được thực tại Chân Lý. 
6- Khái niệm " từ tướng đến tính". Thông qua phương tiện chọn đất, xem ngày, đến quy hoạch thiết kế và xây dựng cảnh chùa,... mục tiêu ở chỗ dẫn dụ, quy tụ tâm thức, cùng nhau hướng tới đạo quả giải thoát. Cụ thể: Từ Tướng là chuỗi quy trình quy hoạch xây dựng Chùa Việt, phát xuất bởi ý niệm thiết lập đạo tràng để tự-lợi, lợi-tha của chư Thầy-Tổ. --> Tâm tướng là hiện tướng cảnh chùa phải là hình sắc mô tả cái<--> Hữu chân thật ( Như Huyễn ) của Tính chân thường trụ.

Nay luận rõ về Định hướng quy hoạch kiến trúc chùa Việt đương đại theo nguyên lý từ Tướng tới Tính, như sau:
Dẫn nhập:
Giải pháp quy hoạch công trình kiến trúc, dù là thế gian hay xuất thế gian chính là sự kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật. Nghệ-thuật sáng tạo ra hình khối không gian còn kỹ-thuật  vật chất hoá những sáng tạo đó.
Pháp xuất thế gian có câu “ Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Quán chiếu điều này tới định hướng kiến trúc chùa Việt chính là việc tư duy cái Nhân, cái đúng trước, sau đó mới đến cái Đẹp tất yếu là Quả sau. 
Phần tham luận sau đây chúng tôi mạnh dạn giới thiệu khái niệm:  Định hướng - quy hoạch thiết kế kiến trúc - chùa Việt - theo nguyên lý - từ Tướng – tới Tính. Ngõ hầu giúp cho việc định hướng thiết kế có được ý tưởng tổng quát, hỗ trợ việc xây dựng chùa Việt đạt được tiêu chí đúng và đẹp, làm duyên giúp con người thông qua “Tướng” là cảnh chùa, trải nghiệm để nắm bắt “ Tác-Dụng”, rồi từ đó mà thông tỏ “ Thể tính” thì cũng là cách phổ quát và phát triển thêm nữa bản hoài của chư Thầy Tổ từ xưa đến nay trong việc tôn tạo cảnh chùa, xây dựng đạo tràng, làm phương tiện để dẫn dắt chúng ta trên con đường tu đạo vô thượng.
Kinh Phật dạy rằng:“Vạn Pháp do Tâm tạo, vạn vật đều tuân theo quy luật thành - trụ - hoại - không hoặc có hình hoặc không hình đều hội đủ cả Tướng Tính Thể Dụng.”
Khái niệm «Thể-Dụng-Tướng-Tính» này là chư pháp thật tướng trong kinh Pháp Hoa, nói về vạn hữu trong pháp giới đều có hình TƯỚNG kết hợp với TÍNH chất thành ra THỂ. Thể có ảnh hưởng tạo ra tác dụng là DỤNG, Dụng này có sự tương tác ra xung quanh là TÁC. Tác có lực nhất định gọi là LỰC. Lực này tạo ra kết quả là QUẢ. Quả có cái đối ứng lại gọi là BÁO. Tất cả có sự kết hợp như vậy gọi là DUYÊN. Duyên nào cũng có nguyên nhân là NHÂN. Nhân đều có nguồn gốc là BẢN. Tất cả đều có duyên khởi trùng trùng gọi là MẠT ( cành lá rễ...). Phần thập như thị ( TƯỚNG, TÍNH, THỂ, TÁC, LỰC, QUẢ, BÁO, NHÂN, DUYÊN, MẠT, BẢN) nói về tính thường trụ của vạn pháp, gọi là "chư pháp thật tướng".
Phần A: Định hướng theo Thập như thị
Quán chiếu theo 10 như thị tới việc xây dựng các hạng mục kiến trúc Chùa Việt điển hình như Tam Bảo, Nhà Tổ, Pháp đường, Tam quan, Trai đường, Tăng xá, Tẩn xứ…Bảy hạng mục chính ( Thất đường già lam) này là hình-tướng kiến trúc làm phương tiện phục vụ cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh. Dưới góc nhìn « Thập như thị » tư tưởng ứng dụng ý niệm từ hình khối kiến trúc và mỹ thuật Phật giáo vào việc quy hoạch thiết kế Chùa thuộc về phần Tính. Việc xây dựng trang trí nội ngoại thất thuộc phần Tướng. Quá trình hoạt động chung thuộc về Lực-Tác-Quả-Báo-Nhân-Duyên-Mạt-Bản. Cụ thể ứng dụng các thành phần đó vào thiết kế Chùa Việt như sau :
 1. Phần Tính chất (Ý tưởng)
Tính chất của việc quy hoạch thiết kế Chùa chính là ý niệm về việc tạo ra các công trình kiến trúc với không gian cảnh quan trang nghiêm, thể hiện sự tịch mặc, nơi tôn nghiêm, tôn trí hình tượng Phật, Tổ với các điển tích có nội dung giáo hóa để hàng đệ tử và Phật tử thập phương chiêm bái tưởng tới ơn đức hoá độ và công hạnh của chư Phật, Tổ để noi gương trên con đường tu đạo. 
2. Phần hình Tướng
Hình tướng các hạng mục công trình chùa gồm hình khối kiến trúc và hoạ tiết mỹ thuật trang trí. Công trình sau khi hoàn thành phải thể hiện được sự sáng tạo lớn trong việc kết hợp các không gian kiến trúc truyền thống với công nghệ hiện đại trong chế tác và tạo hình mỹ thuật. 
Việc bảo tồn và tuân thủ các giá trị kiến trúc của hệ cột, vì và mái đao truyền thống. Không gian kiến trúc và họa tiết trang trí phải được cân nhắc xử lý hài hoà, giải pháp kết cấu công trình nên ứng dụng cấu trúc nhịp lớn, xử lý kiến trúc cột tạo ra không gian tránh bị vướng tầm nhìn. Đây cũng là  ý niệm để đạt được sự thuần chất và không còn vướng mắc trong đạo pháp.
Về hoạ tiết kiến trúc ngoại thất, công trình nên sử dụng cách tân sáng tạo theo tỷ lệ và màu sắc của kiến trúc cổ Việt Nam. Hoạ tiết mỹ thuật thường được sử dụng trong kiến trúc chùa cổ phần nhiều có ý niệm về các lớp cánh sen nâng đỡ lẫn nhau đương nở rộ. Soi chiếu ngược về thân tâm chúng ta sẽ cảm nhận được nhân quả tương tục trong tiến trình giác ngộ của chính mình.
Về mỹ thuật, trang trí nội thất nên cấu thành từ vật liệu hiện đại, gia công bởi công nghệ siêu chính xác CNC. Ứng dụng này sẽ giúp việc trang trí không còn giới hạn về tạo tác khi thi công nên nội thất công trình Chùa bây giờ chính là không gian truyền thông hay nói đúng hơn việc chiêm ngưỡng và quán tưởng vào hình ảnh của các tích Phật chính là những bài pháp thâm sâu. 
3. Phần Dụng-Lực-Tác-Quả-Báo-Nhân-Duyên-Mạt-Bản
Phần Tính chất kết hợp với hình tướng thành ra Thể. Chùa Việt đương đại phải tạo ra được diện mạo công trình mới mà không mới. Mới ở đây là sự kết hợp sáng tạo Đông-Tây giữa lý tưởng Phật pháp thâm sâu và công nghệ hiện đại. Không mới là sự phù hợp với cảnh quan, đáp ứng và thoả mãn nhu cầu tâm linh của đông đảo quần chúng nói chung và tạo ra đặc trưng theo văn hóa địa phương, theo pháp môn cụ thể, phần này thuộc về Dụng.
Phần B: Định hướng chùa Việt điển hình theo khái niệm từ tướng tới tính
Việc quy hoạch thiết kế và xây dựng cảnh chùa xét về mặt điển hình từ xưa tới nay, thông qua trục chính-đạo, được định vị bởi các công trình từ Tam quan đến Toà tam bảo và Nhà Tổ. Các hạng mục công trình phụ trợ khác tuỳ theo địa hình thế đất mà sắp đặt cho phù hợp. Việc tổ chức như vậy chính là môi trường giúp chúng ta mỗi khi vân tập về chùa có được sự thanh tịnh trang nghiêm toả ra từ hình khối kiến trúc và hoạ tiết trang trí mang đậm bản sắc Phật giáo, Sở-duyên-duyên này là cái duyên môi trường nuôi dưỡng và huân tập thiện pháp. Để rồi từ đó với chính Nhân là Phật tính thường trụ, chúng ta tu dưỡng ngay trong các nỗi khổ niềm đau của mình bằng sự ứng dụng giáo lý Phật đà vào thực tại đời sống, để cho mỗi mỗi hành động, mỗi mỗi ý niệm được thanh tịnh là Quả-Báo chân thật, đó là cội nguồn phát xuất niềm an lạc trong mỗi sát na sự sống, rồi với hạnh Đại thừa chúng ta chia sẻ, dẫn dắt kẻ hậu học để cùng tiến lên trong tương lai gần và làm tư lương cho chuỗi đời vô tận. Việc suy tư đúng và đầu tư đúng bắt đầu từ quá trình định hướng quy hoạch kiến trúc Chùa Việt phải đạt được dụng ý tối hậu chính là phương tiện để tạo ra Lực-Tác-Quả-Báo-Nhân-Duyên-Mạt-Bản như vậy.
Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Kinh, phẩm Nhập pháp giới nói về cảnh Thiện Tài đồng tử vấn đạo vị thiện tri thức ở thành Sư Tử Phất Tấn, trong điện Tỳ Lô Giá Na Tạng. Sau khi phát tâm Bồ đề, được Bồ Tát Văn Thù khuyến tấn trên con đường sam đạo từ các vị thiện tri thức, học Bồ Tát hạnh và tu Bồ tát đạo để thành Bồ đề quả. Ở điện Tỳ Lô Giá Na tạng ngài được Từ Hạnh đồng nữ Bồ tát giới thiệu pháp môn Bát nhã Ba la mật phổ trang nghiêm là sở đắc của Bồ tát từ ba mươi sáu hằng sa chư Phật. Cốt yếu của pháp môn này là mỹ-thuật-hoá-Phật-giáo. Việc quán sát hình ảnh khắp cung điện, từ trần vách, cột… »mỗi tướng mỗi hình đều hiện pháp giới Như Lai từ sơ phát tâm tu hạnh Bồ tát thành mãn đại nguyện, đầy đủ công đức, thành Đẳng Chính Giác, chuyển diệu Pháp luân, nhẫn đến thị hiện nhập Niết Bàn. Tất cả ảnh tượng như vậy đều hiện rõ cả. Như trong nước thanh tịnh đứng lặng, thấy khắp hư không nhật nguyệt tinh tú… » Do từ công phu quán tưởng ảnh tượng đó mà Bồ Tát tuỳ thuận xu hướng tư duy quán sát ghi nhớ phân biệt liền được phổ môn đà la ni, trăm vạn vô số môn đà la ni đều hiện tiền.
Như thế mới rõ, việc ứng dụng và Phật hoá mỹ thuật trong việc quy hoạch thiết kế kiến trúc Chùa chính là những bài pháp vô ngôn trợ duyên và giúp chúng ta tu để chứng Phổ môn Đà la ni. Như hình tượng về điện Tỳ Lô Giá Na Tạng trong kinh Pháp Hoa nói lên ý niệm về pháp môn mật thừa với Bản Tôn là Phật Tỳ Lô Giá Na ( Phật Đại Nhật ) mà hình ảnh và các biểu tượng chủng tử tự, ẩn chứa sắc nét trong từng hoạ tiết mỹ thuật kiến trúc.
Tiểu kết:
Từ tướng-tới Tính, là việc quán sát, trải nghiệm từ hình tướng để giác ngộ bản chất của vạn pháp, sự hiện hữu Chân-thật thông qua hình tướng gọi là Diệu-hữu. Tướng thì vô thường, vô-cùng ( gồm cả lớn-bé, đẹp-xấu theo khái niệm phân biệt ), tiến trình tu chứng là quá trình quán niệm tới khi thành thục Thật-tướng, đạt được cái Vô-niệm của Thật tính. Vô-niệm là hết đi các vọng niệm, chỉ còn lại sự chân thật. Thật tướng mà bài tham luận này nói đến là thông qua quá trình hoạt động của con người trong môi trường không gian kiến trúc chùa Việt, với các phương tiện thiện xảo, hiện tướng bởi màu sắc, hình dạng, âm thanh… tác động tới tâm thức, mục đích giáo hoá chúng sinh ( con người ) rời cái ác, bỏ huyễn hư. Nhận rõ cái Chân thật, để từ đó sống cuộc đời hướng Thiện, tiến tới được sự hoàn-Mỹ trong mọi hoàn cảnh, trùm cả thời gian lẫn không gian ( Thời-Không). Đạt được cái đúng Chân là nhân, Thiện là duyên để tiến tới cái đẹp Mỹ là Quả. Từ tướng tới Tinh là quy trình duyên khởi của Chân-Thiện-Mỹ, yếu tố cốt lõi trong các ngôi Chùa Việt từ xưa đến nay và mãi về sau nhất định không được thay đổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét