Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

Bát Thuần Càn


Thiền luận về Bát Thuần Càn 
(乾 qián)

Mạnh mẽ về tinh thần và sức khoẻ. Càn tượng trưng cho sự thủ lĩnh, chủ soái. Đủ cả Nguyên-Hanh-Lợi-Trinh
    Sáu hào đều dương nên là Càn ( Kiền). Kiền là mạnh vậy. Tại trời khí dương, tại đất là cứng, tại người là trí là nghĩa, tại tính là chiếu, tại tu là quán. Lại nữa tại vật ( khí thế giới ) là che, tại thân thể là đầu, là thiên quân, tại nhà là chủ, tại nước là vua; tại thiên hạ là đế. Mạnh mẽ thuận duyên thì việc làm không bị ngăn ngại, cho nên gọi là nguyên, hanh. Nhưng phải dụng cái mạnh cho chính, nếu không lại thành cách suy yếu đó là sự răn của thánh nhân trong quẻ ở hai chữ Lợi-Trinh.
Luận về mặt tâm linh:
Phàm mạnh mẽ về thượng phẩm thập ác tất rơi vào chốn địa ngục. Mạnh mẽ về trung phẩm thập ác tất rơi vào cõi súc sinh. Mạnh mẽ về hạ phẩm thập ác tất rơi vào chốn ma quỷ. Mạnh mẽ về hạ phẩm thập thiện tất thành AtuLa. Mạnh mẽ về trung phẩm thập thiện tất sinh vào cõi người. Mạnh mẽ về thượng phẩm thập thiện mà còn kiêm tu thiền định tất sinh vào cõi sắc, vô sắc giới. Mạnh mẽ về trung phẩm thập thiện mà còn kiêm tu tứ đế, thập nhị nhân duyên tất đạt được quả chứng nhị thừa. Mạnh mẽ về thượng phẩm thập thiện, mà có thể tự lợi lợi tha thất thành Bồ tát. Mạnh mẽ về thượng thượng phẩm thập thiện, mà liễu tri thập thiện tức là pháp giới là Phật tính ắ tựu thành Vô thượng Bồ Đề.
Mười cõi đều là Nguyên-Hanh. Tam ác là tà, tam thiện là chính. Lục đoạ hữu lậu là tà, tam thừa vô lậu là chính. Nhị thừa thiên lệch là tà, Bồ tát độ người là chính; quyền thừa nhị đế là tà, Phật giới trung đạo là chính; phân biệt không trung biên không đồng là tà, tất cả chẳng có gì không là Trung đạo là chính. 

I. Luận về hào từ


初 九: 潛 龍 勿 用

•  Âm: Sơ cửu. Tiềm long vật dụng
Nghĩa: Hào sơ cửu: Rồng ẩn 
Luận giải: Ẩn mình thì an được thân, tích trữ trau dồi phẩm hạnh nguồn lực. Chờ cơ hội tốt gặp gỡ giáo hoá người để cùng tiến lên. Phương tiện giáo hoá là “vật-dụng” là pháp bố thí. Nói theo pháp môn nhà Phật thì là hạnh bố thí, tự lợi lợi tha. Chữ “ Tiềm” tiến lên chính là pháp An Nhẫn trong Lục độ ba la mật của bồ tát đạo vậy. 

九 二 : 見 龍 在 田 . 利 見 大 人 .
•  Âm: Cửu nhị: Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân
Nghĩa: Rồng hiện trên mặt ruộng, gặp được đại nhân thì có lợi
Luận: Như hình ảnh Rồng, là con vật có thể lớn, có thể nhỏ, có thể co có thể duỗi. Ban đầu ẩn “tiềm” dưới sâu “ thâm tàng bất lộ” bây giờ lên trên mặt đất. Sự ẩn hiện đó không cùng bởi do thời mà thành hoàn cảnh như vậy. 
Luận theo Phật pháp thì phàm làm việc công đức phải có tâm nhẫn ( nhẫn nại, nhẫn nhịn), phải xuất phát từ hạnh từ bi. Cái tâm Vô-lậu đó là tâm không có chướng ngại, cho nên như Rồng khi lớn khi bé, khi co khi duỗi không cùng về mặt sự tướng nhưng bản thể là không thay đổi. Từ cái Nhân trong thì nhẫn với các ham muốn dục lạc ở đời, ngoài thì nhẫn với các cảnh hư huyễn. Cái Quả là hoá giải được nỗi khổ niềm đau của mình và tha nhân, được mọi sự tốt đẹp gọi là “ được gặp đại nhân thì có lợi”, từ nhân đến quả đó thông qua cái Duyên tu hành theo tinh thần của kinh bậc Đại Nhân ( Kinh Bát Đại Nhân Giác ). Đó là quá trình bắt đầu giác ngộ được tâm cảnh vô thường, đến đối trị được tâm tham sân si, nhận thức được pháp giới như huyễn như hoá, hành bồ tát đạo là tự lợi lợi tha đến vô cùng vô tận. 
Như vậy là thuận theo sức mạnh tinh tiến của khí tượng quẻ Bát thuần càn mà dù ẩn hay hiện, dù thuận hay nghịch vẫn đều có hướng tiến lên về mặt thế gian và xuất thế gian.  

九 三: 君 子 終 日 乾 乾, 夕 惕 若. 厲, 无 咎.
•  Âm cửu tam: Quân tử chung nhật kiền kiền, tịch dịch nhược lệ, vô cửu.
Nghĩa: Người quân tử suốt ngày hoạt động hăng hái, đến chiều tối vẫn còn lo toan, như đối diện với nguy hiểm; cho nên không mắc lỗi.
Luận hào tam: Ứng với mặt thời gian tháng là 3 tháng, với năm là 3 năm, với tuổi là 30 đến 40 tuổi. Hào tam có hoa giáp là Giáp Thìn, ngũ hành thuộc hoả, tương khắc với khí quẻ Kiền là Kim nên bị hãm. Cách hãm địa là giai đoạn bước vào các khó khăn, đối diện với các nguy cơ xấu xảy ra, cho nên phải lao lực ngày đêm không ngừng. Việc hao tâm tổn trí này chính là để chống lại với hoàn cảnh, cũng là tượng lúc yên không quên lúc nguy của người thiện. Yên là thầm lặng để tích tụ, nguy thì đối diện để chuyển hoá.
Giải thích theo Phật học: đã là thân phàm phu duyên khởi với tâm phân biệt tạo ra đời sống hôm nay chính là hiện nghiệp của hiện tại và quá khứ, nhân quả biến hiện trùng trùng không khi nào ngừng nghỉ. Nhân quá khứ sinh quả hiện tại, nhận hiện tại sinh quả hiện tại tạo ra đủ cảnh tượng như huyễn như hoá. Chúng sinh bị ràng buộc trong vòng luân hồi sinh tử, không được tự chủ, nếu lại không biết thiện ác thì nỗi khổ niềm đau đó ngày càng thêm chất chồng. Đó là hiện tướng hãm của hào cửu tam. Chư Phật xuất hiện ở đời chỉ cho chúng sinh biết được cái khổ của sinh lão bệnh tử, những ai giác ngộ mà theo tuệ giác của Phật soi lại con đường đời hiện tại thì đó chính là thiện duyên tu tập theo pháp môn thiên quán, hằng sống với trí tuệ bình đẳng chính là ứng thuận với khí Hoả ( Giáp Thìn ) của hào cửu tam vậy.


九 四: 或 躍, 在 淵, 无 咎.

•  Âm Cửu tứ: Hoặc dược tại uyên. Vô cửu
•  Nghĩa: Hào cửu tứ: Hoặc ở lại hoặc nhảy khỏi vực sâu.
Luận giải: Hào tứ (4) tượng cho giai đoạn bốn của dụng sự, cho đại vận từ năm 40-50 tuổi. Hoa giáp Nhâm Ngọ, hành Mộc, xung khắc với khí quẻ nên là Bình địa. Vào các năm Mộc ( Mậu Tuất, Kỷ Hợi ) và người Mệnh Mộc ( 1972 ) thì hợp hành của hào cửu tứ sẽ có xu hướng tiến lên về mặt thế gian và tâm linh. Cũng nghĩa là gia đoạn xây dựng và kiến tạo, nếu theo thiện duyên hành thiện hạnh tu thiện pháp thì có thể vượt thoát khó khăn thế tục. Nếu lại sa đoạ vào ác kiến ác hành thì sẽ bị các xung khắc tạo cảnh éo le, thân thì khổ bệnh mà tâm thì rối loạn. Đó là dự báo của chữ “ Hoặc...tại uyên: hoặc ở vực sâu. Hoặc dược tại uyên: nhảy thoát từ vực sâu” của âm hào từ cửu tứ này.
Giải thích theo Phật pháp, như câu đầu tiên trong Duy thức tam thập tụng của Pháp tướng tông: “ Nhân chi sơ, tính vô ký” nghĩa là, chúng sinh ban đầu sinh ra bản tính vốn không thiện không ác, thiện ác là do huân tập từ môi trường, lối sống. Cũng như hoàn cảnh thuận nghịch không phải do cái năng lực của người mà do vận cuộc xã hội tạo ra. Theo duyên đó nếu sa đoạ thì bị phiền não khổ đau nhấn chìm xuống hố thẳm sông mê, để phải chịu cảnh ngụp lặn trong sinh tử luân hồi, theo duyên nghiệp xấu hoá hiện ra cảnh sinh lão bệnh tử, không khi nào ngừng nghỉ. Nếu đã tin Phật, hành thiện pháp, bắt đầu từ giữ ngũ giới đến tu thập hạnh Phổ hiền thì như con rồng có thể vươn mình bay lên thoát khỏi bí ách của hố sâu chật hẹp mà được cái tự tại vô ngại ở tương lai. 


九 五 : 飛 龍 在 天 , 利 見 大 人.

•  Hào Cửu Ngũ:
Âm: Phi long tại thiên. Lợi kiến đại nhân
Nghĩa: Rồng bay lên trời, gặp được bậc đại nhân thì có lợi.
Luận giải: Rồng bay lên bởi trước đó có “ Tiềm, Hiện, Dược, Kiền”. Tiềm là ẩn để tích nguồn lực, sàng lọc công việc, mở rộng quan hệ. Hiện là tuỳ duyên mà hành động. Dược là chớp thời cơ để quyết định. Chữ Kiền trong “ chung nhật kiền kiền” là hoạt động không ngừng nghỉ. Vì có starup right nên có great success. Khi Rồng đã bay lên thì xung quanh không còn tiểu nhân ám-hại, chỉ thường gần các bậc đại nhân để cùng làm việc đại sự. Vận khí hào cửu ngũ có hoa giáp Nhâm Tuất hành Kim, cùng ngũ hành với chính quẻ nên là cách đắc địa. Đắc địa là đắc thời, ứng với giai đoạn từ 50 tuổi đến 60 tuổi. Người xưa có nói”  Gia ngã sổ niên, Ngũ thập dĩ học Diệc, khả dĩ vô đại quá hỹ” có nghĩa là tới đại vận từ 50 tuổi thì trước đó nên bắt đầu học Diệc để cho mọi việc từ đây không còn sai lầm. Diệc học chính là văn minh của người Bách Việt. Đó chính là cơ cấu Tam tài, ngũ hành. Rõ được biến hoá trong trời đất thì được chữ thuận biến của hào cửu ngũ thành quả ( quả là âm quẻ của Diệc học ) là Trạch Thiên Quải để có được sự chắc chắn quyết đoán trong mọi sự việc ở đời.
Luận về Phật học “ phi long tại thiên “ chính là khi chúng sinh đã phát tâm tinh tiến tu hành theo giáo lý của Phật đà. Việc giữ giới thân cùng với thiền quán phòng hộ tâm miên mật, thì bên trong được Định, từ định phát ra Tuệ giác , bên ngoài thường hành thập thiện, cứu giúp người thoát khỏi nỗi khổ niềm đau. Đó là thuận theo chính Duyên thông qua nội nhân là sự mạnh mẽ của quẻ chủ khí Bát Thuần Càn. Nghĩa là Mạnh mẽ về thượng phẩm thập thiện, mà có thể tự lợi lợi tha tất thành Bồ tát. Mạnh mẽ về thượng thượng phẩm thập thiện, mà liễu tri pháp giới là thể nhập được Phật tính ắt tựu thành Vô thượng Bồ Đề. 

九 五 : 飛 龍 在 天 , 利 見 大 人.
•  Hào Thượng cửu: Kháng long hữu hối
Nghĩa: Rồng bay lên quá cao sẽ có hối hận.
Kháng có nghĩa là tột cùng của thời thế. Hối là đạo ứng xử khi ở ngôi vị cao. Hào thượng cửu Nhâm Tuất có ngũ hành thuộc Thuỷ nên là cách vượng-địa. Hào thượng cửu ứng với giai đoạn cuối của sự việc, của cuộc đời kể từ năm 60 tuổi. Thế gian pháp vốn là sự đối đãi, phàm sự gì, việc gì mà quá thì như hết đỉnh lại xuống dốc đó là cách “ tương thừa thành ra quỷ khí”. Cho nên người thiện sống ở đời phải biết khi nhiều mà nhớ tới khi ít, khi mạnh tâm không có kiêu ngạo, chèn ép người khác thì không có việc gì phải “Hối” hận.
Luận theo Phật học, cái thành tựu của thế gian dù có tột cùng, cũng chỉ là huyễn có các vật ngoài thân, không có bền chắc. Tâm người có 52 tâm sở thì chỉ có 11 tâm sở thiện, còn lại là các tâm sở bất thiện và vô ký, nên khi đã đầy đủ về mặt vật chất thì lòng tham dễ khởi, nếu như về mặt tâm không có biết-đủ, về mặt thân không tri- túc thì cái hoạ của sự huyễn hư sẽ xuất hiện ( đó chính là tướng tiến vượng của hào biết thành suy thoái là cách hãm hiểm của hào thượng cửu Nhâm Tuất). Sau khi quẻ Bát Thuần Càn biến đủ sáu hào thành Quẻ Bát Thuần Khôn là quẻ phục vị, khôn là sự nhu nhuyến, an nhẫn,  bao dung. Cũng như chúng sinh khi đã trải nghiệm khổ đau đến cùng cực, hoặc chán nản dục lạc huyễn hư mà tỉnh ngộ đi theo con đường giải thoát của Phật thì vạn pháp như có như không được tự tại an lạc ở trong mọi hoàn cảnh cả về mặt thời gian lẫn không gian. Cũng là cách để trở thành người hạnh phúc nhất, người giàu nhất như Phật dạy đó là “người biết đủ” vậy.



用 九 . 見 群 龍 無 首 . 吉 .
Dụng cửu: Kiến quần long vô thủ. Cát
Giải thích theo Phật pháp thì dụng cửu chính là Dụng trong thập như thị của pháp giới. Bao gồm: Thể, Dụng, Tướng, Tính, Lực, Tác, Nhân, Duyên, Quả Báo, Mạt bản cứu kính. Dụng là diệu dung của bản Tâm, chính là cái tâm thức duyên khởi như huyễn đối với cảnh trần. Quẻ Bát Thuần Càn có khí Phục vị, quẻ thượng và quẻ hạ đều là Càn kim. Cũng như việc tu đạo mà có đủ cả Bi và Trí, Định và Tuệ.    





  
II. Luận về biến đổi của quẻ

1.  Gặp thuận duyên thì biến thành Quẻ Bát Thuần Khôn: Thuận lợi mọi mặt. Tâm của người thiên về hạnh Bố Thí Ba la mật. 
2.  Gặp nghịch duyên quẻ biến đổi như sau:


坤 → 復 → 臨 → 泰 →大壯 → 夬 → 需 → 比

Khôn Phục Lâm Thái   Đại Tráng Quải Nhu Tỷ. 

Có nghĩa ban đầu thì mọi sự thuận theo như ý của quẻ Khôn, sang đến đoạn quẻ Phục thì bị trì trệ nên phải nằm phục chờ cơ hội đến khi biến thành quẻ Lâm thì có khí thiên y là có các mối quan hệ tốt, biến quẻ ra Thái thì được bình ổn về mọi mặt, tất cả đều vui vẻ. Phàm bình lâu sẽ loạn đó là khí quẻ chuyển sang Đại Tráng, lôi thiên đại tráng là cách ngũ quỷ ( tương thừa thành ra quỷ khí quấy nhiễu, đó là nếu cậy sức cậy tài chèn ép người khác thì đang là cách thần hoá thành ra cách quỷ cũng gọi là hung thần ). Khí Ngũ quỷ là sự trắc trở của quẻ Trạch Thiên Quải, nếu từ đây không thường hành thiện hạnh thì quỷ khí của quẻ Quải sẽ tạo các sự việc phải chống lại kẻ ác. Người thiện thuận theo quẻ Nhu mà nhún nhường tránh cái hung hăng của kẻ ác, nhằm vào cái tham lam ích kỷ của nó thì sẽ giáo huấn được nó thành người tốt. Nếu không kết thúc biến thành quẻ Tỷ. Tỷ là hòa hoãn. Tạm thời hòa hoãn với kẻ xấu khi chúng còn đang hung hăng để chờ thời cơ mới thì sẽ thành công trong việc giáo hóa của chúng. Tỷ cũng có nghĩa là so sánh. Người thiện phải có cái tư tuệ là cái tuệ tư duy so sánh kỹ lưỡng mọi việc. Nếu thấy thiện nhiều hơn thì cứ làm. Nếu thấy ác nhiều hơn thì phải tránh ngay từ đầu. Như thế sự việc sẽ thành công mỹ mãn ở tương lai.

————————

 TỔNG LUẬN 


Hào 1 G.Tý, Hào 2 G. Dần. Hào 3 G.Thìn, Hào 4 N.Ngọ, Hào 5 N.Thân, Hào 6 N.Tuất. Hào 1 và hào 5 là Kim nên đắc địa, hào 2 và hào 6 là thủy nên vượng địa, hào 4 là mộc bình địa, hào 3 là hỏa hãm địa. Đây là quẻ có khí là lưỡng Kim thành Đại Bảo ngọc. Đức Kiện vì là phục vị. Đủ 5 nghĩa lớn là Nguyên, hanh, lợi, chính, trung. Tượng quẻ : Đại nhân làm việc thiện phải có đủ các đức tính như trên. Hậu vận có hai hào vượng và đắc nên là tốt. Trung vận có một hào bình và hãm nên là trung bình. Tiền vận có hai hào vượng và đắc nên là tốt. (Cả 6 hào đều dương). Thượng Càn hạ Càn.

Dùng Phật pháp mà luận về sáu hào của quẻ Kiền thì rồng là vật biến hoá, dụ như Phật tính, ở phương diện thế gian thì Phật tính bị phiền não che lấp gọi là “ vật dụng”, ở phương diện tu hành thì cần tham kiến thầy và bạn nên gọi là “ lợi kiến đại nhân”. Ở phương diện tự lợi thì phải tinh tiến không ngừng mới có thể vượt thoát bay lên gọi là “ tịch dịch” Ở phương diện hành đạo lợi tha tích tụ công đức làm tư lương thì không được ngã mạn, nhất thiết phải theo tam-luân-không-tịch mà hành gọi là “ hoặc nhược tại uyên”. Ở phương diện hoá độ cúng sinh theo bát chính đạo, dù được tự tại nhưng vẫn hoá hiện lăn trôi sinh tử để cứu vớt chúng sinh gọi là “ hữu hối”.

Tông chỉ của pháp Phật luận này của Quảng Kiến kiêm cả tính và tướng. Nếu lấy tu đạo thì khí quẻ ban đầu là biệt nghiệp, là quả của quá khứ lai sinh. Như đã mạnh mẽ và đủ duyên tu hành rồi thì cái nhận thức ban đầu thuộc Càn tuệ địa là cái tuệ khô cứng cần phải được vun tưới bằng dòng nước của Phật pháp, để bước đầu vào Khai Phật tri kiến ứng với hào hai, hào ba là thị Phật tri kiến, hào bốn là Ngộ Phật tri kiến, hào năm là Nhập Phật tri kiến. Hào sáu là thành tựu tự lợi để rộng độ chúng sinh trong tam giới.
Luận chung về biến hiện của sáu hào thì thông suốt cả pháp thế gian và xuất thế gian.
Nếu lấy tam tài của người Việt mà tóm lược thì hai hào trên là Thiên, hai hào giữa là Nhân, hai hào dưới là Địa.
Nếu lấy các cõi trời trong dục giới mà tóm lược thì hào đầu là cõi trời Tứ Thiên Vương, hào hai là cõi trời Đao Lợi, hào ba là cõi trời Dạ Ma, hào bốn là cõi trời Tha hoá, hào năm là cõi trời Hoá Lạc, hào trên cùng là cõi trời Tha Hoá tự tại.
Nếu lấy tam giới mà tóm lược thì hào đầu là dục giới, các hào hai ba bốn năm là sắc giới, hào trên cùng là vô sắc giới.
Nếu lấy địa lý mà tóm lược thì hào đầu là vực sâu, hào hai là ruộng, hào ba là cao nguyên, hào bốn là hang núi, hào năm là sườn núi, hào sáu là đỉnh núi.
Nếu lấy phương vị mà tóm lược thì hào đầu là hướng Bắc, hào hai hướng Nam, hào ba hướng Đông, Hào bốn hướng Tây Bắc, hào năm hướng Đông Bắc, hào sáu hướng Tây.
Nếu lấy cách cục gia đình mà tóm lược thì hào đầu là ngoài của, hào trên cùng là vườn sau, bốn hào giữa là nhà và sân.
Nếu lấy một đời người mà tóm lược thì hào đầu là nhi đồng, hào hai là lúc thiếu niên, hào ba là lúc tráng niên, hào bốn là lúc mạnh mẽ ổn định, hào năm là lúc trung niên, hào trên cùng là lúc tuổi già.
Nếu lấy mười cõi ( Thập đạo ) mà tóm lược thì hào đầu là tứ ác đạo () hao hai là cõi người và trời, hào ba là cõi sắc và vô sắc, hào bốn là cảnh giới nhị thừa, hào năm là cảnh giới Bồ tát, hào trên cùng là cảnh giới Phật.
Nếu lấy con đường tu chứng mà luận thì hào sơ là văn tuệ, hào hai là tư tuệ, hào ba là tu tuệ, văn-tư-tu thuộc về tư lương, hào bốn là tổng tướng, hào năm là thể nhập, hào trên cùng là cứu cánh đắc toàn thể toàn dụng của pháp giới tính.
Như vậy lấy điểm cốt yếu mà nói thì đây là phép nhập thế và xuất thế, gồm đủ cả như lớn như nhỏ, như thiên lệch như trung chính, như thiện như ác...gồm cả đối đãi biến hiện sinh diệt đều là tượng biểu hiện của sáu hào. Có hào nào lại không thu nhiếp trọn sáu hào?  Có hào nào mà lại không thu nhiếp trọn nhất thiết pháp? 

————————
Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng

Apr 22, 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét