Giới thiệu về kiến trúc Tam quan chùa Việt Nam
Kiến trúc Chùa Việt Nam thường
tuân theo một hướng chính gọi là trục Chính Đạo, mở đầu cho hướng Chùa là Tam
Quan án ngự. Từ Tam quan vào bên trong là toàn thể ngôi chùa bao gồm Lầu
chuông, Gác trống phía trước, hành lang giải vũ hai bên, tiếp vào cùng nhà Tiền
đường, Thiêu hương, Thượng Điện v.v…
Kiến trúc Tam Quan
Tam quan thông thường có hai tầng, tầng dưới có ba cửa, ở giữa là cửa
chính, hai bên cửa nhỏ hơn và kích thước hai cửa này bằng nhau. Tuy nhiên cũng
nhiều chùa xây Tam quan có khi hơn 4 đến 5 tầng, mở ra 4 đến 5 cửa và thường
tùy thuộc vào tổng thể kiến trúc của ngôi chùa cũng như ý tưởng của người chủ
hưng công khi cho xây dựng. Tầng trên của Tam quan chùa Việt có khi kiêm luôn
chức năng lầu chuông, khánh và treo chuông lớn.
Nghiên cứu sâu về
Tam Quan còn có tên gọi khác là Tam môn,
cách gọi tuy khác nhau nhưng bản chất là một. Quy chiếu triết học Phật giáo vào
Tam quan cũng chính là cùng hệ quy chiếu đối với Sơn môn (cách gọi của Trung Quốc).
Ý nghĩa Triết học Phật giáo của cổng chùa theo Phật học đại từ điển lí giải “là
cách gọi của Tam giải thoát môn”. Tam giải thoát môn chính là ba cửa giải thoát
cho chúng sinh thoát khỏi phiền não, tiến nhập vào chốn thanh tịnh, an nhiên tự
tại, chốn bỉ ngạn để đạt đạo quả Niết bàn. Ba cửa đấy là Không giải thoát môn,
Vô nguyện giải thoát môn, Vô tướng giải thoát môn. Không giải thoát môn là quán
sát tất cả các pháp do nhân duyên mà sinh thành, tự tính vốn là không, tất cả mọi
thứ như hư huyễn không có thật, thông đạt như thế, thì mới có thể ngộ nhập vào
cõi Niết Bàn. Vô nguyện giải thoát môn là sự tiến lên của Vô tác giải thoát
môn, chính là tất cả các pháp sinh tử, nguyện xa rời ý niệm tạo tác, để ngộ nhập
vào Niết bàn diệu quả; Vô tướng giải thoát môn là quán sát tất cả pháp thế gian
đều là giả hợp của hình tướng, hiểu được tứ đại ngũ uẩn giai không, rời các
nhân ngã chấp tướng mà ngộ nhập vào cõi Tịch tĩnh của Niết bàn.
Tam giải thoát
môn còn gọi là Tam không môn, lại còn gọi là Không môn, vì thế chùa chiền vẫn
thường được gọi là Không môn như một cách gọi đại xưng.
Phong cách Tam quan
Tam quan mở ra hướng vào chùa, mở ra con đường tiếp nhận đến
với Phật giáo. Kiểu dáng Tam quan tùy thuộc vào vị thế địa lí, kinh tế vùng miền,
ngôi chùa có sự ảnh hưởng tới văn hóa cộng đồng như thế nào thì xây dựng chùa
chiền nói chung và Tam quan nói riêng có những mức độ quy mô khác nhau. Trước
tiên là Tam quan gỗ, từ kiểu thức đơn giản nhất là cái cổng để đi lại cho thuận
tiện, khoanh vùng cho ngôi chùa, dần dần chuẩn hóa theo kiểu thức cung đình với
cấu kiện kiến trúc, chồng giường, diêm tầng lớp mái...
Theo phong cách kiến trúc các Tam quan cổ còn lại tới ngày
nay trong các chùa Việt là các Tam quan gỗ, kiểu thức như Tam quan chùa Kim
Liên, chùa Chân Tiên - Hà Nội. Ngày nay với sự phát triển đa dạng của vật liệu xây dựng đã ảnh hưởng nhiều
đến cấu trúc của tam quan chùa. Cấu trúc tam quan có thể làm bằng bê tông cốt
thép với cột đá hoặc là sự kết hợp giữa bê tông và mái gỗ…Quá trình thiết kế
quy hoạch kiến trúc chi tiết phải tùy thuận vào địa thế và quy mô kiến trúc
chùa mà kiến tạo ra kiểu mẫu tam quan tương xứng.
Ngôi chùa Việt Nam ngày nay vẫn tồn tại Tam quan như một
minh chứng cho sự phát triển của lịch sử tất yếu và nội hàm triết thuyết Phật
giáo. Điều này cơ bản đúng trên bình diện nghiên cứu lịch trình của Tam quan
cũng như sự tương thích về kiến trúc và môi trường địa lí văn hóa tạo cơ sở cho
sự phát triển của tôn giáo mà con đường cứu kính vẫn là hướng con người vượt
qua cái bất thiện để đến với cái thiện, cái tốt đẹp hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét