Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Giác ngộ giải thoát



GIÁC NGỘ , GIẢI THOÁT 
----------------------------------------------------------------
GIÁC rồi thấy sự vô - thường,
NGỘ bao vọng niệm vẫn thường che Tâm.
GIẢI đi những kiến thức lầm,
THOÁT vô minh đã giam cầm Chân Tâm.
( Quảng Kiến)

Phần 1: Bàn về Giác Ngộ
Chúng ta thường bàn về giác ngộ, vậy là giác ngộ cái gì?  Đối với con người chúng ta thì có thân và tâm. Thân tâm cũng như vạn vật trong pháp giới được cấu tạo bởi bảy đại: địa thủy, hỏa, phong , không, kiến, thức. Trong đó hai đại Kiến và Thức thuộc về Tâm còn năm đại trước thuộc về thân. Như vậy chúng ta giác ngộ chỉ là giác ngộ cái thân và cái tâm. Bản chất là thấy được cái thật tính và thật tướng của thân và tâm.
Đầu tiên giác ngộ cái thân này giả, giả ở việc thân do tứ đại kết hợp lại mà thành. Bốn đại địa, thủy, hỏa, phong do duyên hợp lại thành cái thân hoàn chỉnh, khi hết duyên thì tan rã hoặc biến dạng hiện tướng là sự phù nề ( địa biến dạng), cảm lạnh ( thủy), bệnh sốt ( hỏa), bệnh tê thấp ( phong). Nhận thức được rõ ràng cái thân là giả, do duyên hợp mà gọi là tạm có.
Kế đến giác ngộ tâm sinh diệt là giả. Tâm sinh diệt bởi chấp ngã tướng và chấp pháp tướng. Từ cái vọng tưởng là sự phân biệt đối đãi mà có sinh có diệt theo vọng của sáu căn với sáu trần. Cái tâm biến đổi như huyễn như hóa không thật nên gọi là giả.
Biết hai cái đó giả rồi thì sự tu hành dễ như trở bàn tay. Sở dĩ chúng ta tu chậm tiến là vì cứ nhớ những chuyện liên hệ tới thân tạo ra vọng thức là cội gốc của tưởng-ấm. Hôm qua mình bị ai mắng, hoặc làm ăn thất bại, tiền của suy giảm, lý luận với ai bị thua, làm sao cho hơn họ…, cứ nhớ đi nhớ lại những thứ ấy. Do chấp thân, chấp tâm nên ngồi đứng không yên. Khi đã biết thân giả, biết tâm sinh diệt giả dối thì cái tâm chúng ta sẽ được yên ổn.
          Như vậy Giác là thấy tướng thân và tướng tâm không thật có, Ngộ là thấy được thân tâm biến đổi như huyễn như hóa là vọng tưởng không thật. Khi tu hành dẹp hết các vọng tưởng đối đãi thì thể nhập được trí vô sai biệt bình đẳng. Mặc dù biết tất cả sự vật tuy huyễn hóa, tuy không phải là tính chân thật nhưng do chúng ta mê muội thì lại đối đãi biến ra nhiều tướng sai khác giả dối ở cái thế giới của chúng ta. Do đó Bồ tát phải làm việc công đức để giáo hóa chúng sinh từ bỏ cái tướng đối đãi giả dối để tạo thành chính niệm diệt hết vọng niệm. Được như thế gọi là giác ngộ.
Như vậy Giác Ngộ dễ hay khó? Chỉ đổi cái thấy thôi. Giả biết giả, chuyện đó hợp lý trăm phần trăm sao lại nói khó! Lâu nay chúng ta đi trong mê nhiều kiếp nhiều đời rồi, nên bây giờ chuyển lại giác khó, chớ không phải chuyện tu khó. Thấy thân thật chuyển qua thấy thân giả chừng bao lâu? Tích tắc chỉ cách nhau một hơi thở! Kinh Kim Cương Phật nói, giả sử có người đem của bảy báu nhiều bằng núi Tu-di bố thí, không bằng người trì bốn câu kinh Kim Cang. Nhẹ làm sao! Trì tụng bốn câu kinh Kim Cương có khó gì? Còn của báu chất bằng núi Tu-di, muôn kiếp mình cũng chưa làm được nữa.
Tứ cú kệ Kinh kim cương:
                    KHÔNG THÂN
KHÔNG TÂM
KHÔNG PHÁP
KHÔNG NGÃ
Vậy tại sao Phật lại nói thế? Đó là để chỉ dạy chúng ta mê thân thật thì mê cảnh thật, mê tất cả sự vật hình tướng bên ngoài đều thật. Nhưng thật ra những gì có tướng đều do duyên hợp, tạm bợ, đủ duyên còn, hết duyên mất, chớ không còn mãi. Vậy được bao nhiêu cái giả đi nữa cũng chỉ là giả. Đem cái giả tạm đổi lấy cái thật thì không có gì sánh nổi. Trì bốn câu kinh Kim Cang tức là nhận và sống với cái thật của mình.

Đức Phật còn nói đem thân mạng này bố thí hết đời này qua đời khác, bao nhiêu đời cũng không bằng trì bốn câu kinh Kim Cang. Chúng ta nghe không sao hiểu nổi. Nhưng có gì lạ đâu, vì tất cả sinh mạng của chúng ta hiện giờ chỉ mấy chục năm rồi hoại, không thật. Còn bốn câu kinh Kim Cương là chân lý, là lẽ thật muôn đời không thay đổi. Nắm được chân lý thật mà sống thì mới siêu thoát, vượt hơn tất cả. Nếu chúng ta nhìn sự vật đúng với con mắt thức tỉnh thì kinh Phật nói rõ như ban ngày, không có gì nghi ngờ hết.

Trông sao ta thấy có cao
Nếu cao hơn nữa hết sao là gì?
Vàng ròng dưới đất tí ti
Để thành thỏi lớn phải thi nhau đào
Vượt lên tất cả cái nào
Tâm thành tất cả hãy vào Chân Tâm.
( Quảng Kiến)

Con người thế gian  sống trong pháp hữu lậu hữu vi thấy trời tưởng như là cao lắm, Đức Phật giác ngộ pháp giới tính là đắc toàn thể toàn dụng. Chỉ bày cho chúng sinh biết có 33 tầng trời, tầng thấp nhất chúng sinh ở đấy thọ hàng vạn tuổi, tầng trời trên lại có số tuổi thọ gấp hàng vạn tầng dưới. Mặc dù là sống có lâu như thế những các vị ở cõi trời vẫn trong vòng luân hồi, sống trong vòng sinh diệt khổ não chưa có giải thoát. Con người ở trên trái đất thì bị cảnh Trần dẫn dụ mà tạo tác gây nghiệp ở nơi thân, khẩu, ý. Tranh giành nhau của cải vật chất, vọng tưởng danh vọng không nhẫn được với các thói quen mê lầm ( Ngoại nhẫn), không nhẫn được với các ham muốn của ngũ dục là Tài, sắc, danh, thực, thuỵ ( Nội nhẫn). Chúng sinh trong vòng hữu lậu hữu vi này sống chết Liên tục gọi là luân hồi, may nhờ có chư Phật Bồ Tát từ bi thị hiện giáo hoá bằng các phương tiện thiện xảo, giúp cho giác ngộ được Chân Tâm bất sinh bất diệt mà xa rời các pháp thế gian tiến lên xuất thế gian giải thoát mọi khổ đau phiền não.

Nhà Phật dạy chúng ta giác thẳng nơi con người, chớ đừng tìm cầu bên ngoài. Nếu giác thẳng con người rồi thì ở ngoài cũng giác, nếu mê con người thì ở ngoài cũng mê . Cho nên trọng tâm đặt ở con người. Tất cả chúng ta học Phật là học đạo giác ngộ, mà không chịu giác thì không biết học cái gì? Có người càng học lại càng mê, nên mới đi cúng chỗ này chỗ kia, cầu xin ông này bà nọ đủ thứ hết. Đó là sai lầm lớn của người học Phật. Đạo Phật là con đường, là phương pháp đưa chúng ta tới giác ngộ. Đã đi con đường giác ngộ mà lại trở thành mê, thật không có lý chút nào.


PHẦN 2: BÀN VỀ GIẢI THOÁT
Nay bàn về Bát Nhã tâm kinh, có câu: 
"Quán tự tại Bồ tát hành thâm Bát nhã Ba La Mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Độ nhất thiết khổ ách..." 
Ý nghĩa của việc giải thoát của chúng sinh chính là việc thoát tất cả khổ đau phiền não, thoát cái khổ luân hồi trong lục đao. Bồ Tát tức là chúng sinh hành đạo để viên mãn các công đức ( Đức Phật là Giác ngộ toàn thể toàn dụng của pháp giới, còn Chư vị Bồ Tát mới là tuỳ phần giác ngộ). Câu nói "...Chiếu kiến ngũ uẩn là không..." phải hiểu là do vọng tâm tạo thành sắc tướng, rồi sinh ra có cảm giác ( thọ) từ sự hợp ly, cái tâm phân biệt làm cho tâm niệm dao động không ngừng, ban ngày là tâm tưởng ban đêm là mộng mị ( tưởng uẩn ), cái dòng tâm tưởng liên miên không ngừng nghỉ theo cái vọng (hành uẩn) tạo ra sự luyến lưu về hình tướng, âm thanh, ý niệm ( thức uẩn). Tỏ được cái ngũ uẩn là do vọng niệm khởi ra thì cái tâm niệm huyễn hư lăng xăng biến mất, khi đó chúng ta trở về với bản  tính Diệu Minh, gọi là giải thoát các phiền não mê lầm. Tính Diệu Minh là bản thể Chân Như, cái Tâm thanh tịnh có sự tỏ rõ nguồn gốc của sự vật là tính MInh, lại hoá hiện ra pháp giới là Tính Diệu. Có chúng sinh bởi vì có sự nhầm lẫn của tâm ở chỗ coi Tính Minh là Giác nên hình thành cái năng Giác đối đãi với Tính Diệu là năng Sở. Có tâm năng sở đối đãi là có sự ngăn ngại mê lầm. Nhận biết được bản Tâm có đầy đủ tính Diệu Minh thì không có mê lầm cũng gọi là được Giải thoát. (Gọi là giải thoát là tạm nói khi còn mê chứ thật ra không có gì gọi là giải thoát cả. )
Vì chúng ta theo vọng tâm đồng với nhau mà có các cảnh giới tương ứng hoá hiện, rồi chấp trước ngã tướng, pháp tướng mà lăn trôi trong các thế giới vọng niệm ( lục đạo). Phàm phu chúng ta muốn giải thoát, thoát khỏi sự huyễn hư chỉ cần theo Bát Nhã tâm kinh hành Bồ Tát hạnh là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Tự giác là giác cái bản tâm vốn thanh tịnh mà trừ bỏ mê lầm, giác tha là phát tâm Bồ đề, tha thiết thành tựu chính đẳng chính giác để có đầy đủ phương tiện cứu độ chúng sinh ( chúng sinh ở đây chính là các vọng tâm biến hiện) . Việc vừa tự giác vừa giúp chúng sinh giác ngộ là hành hạnh Đại thừa Bồ Tát cũng gị là viên mãn công đức ( Công là công phá cái mê lầm của mình và của chúng sinh, Đức là trở về với bản tính vô phân biệt bình đẳng. Vậy hành thế nào để được giải thoát?. Đây là quá trình chúng ta quán nguồn gốc của sự vật. Sự vật đều do tâm tạo, tâm vọng tạo nên thế giới của chúng sinh. Chúng sinh đồng vọng nên là đồng loài, đồng loại. ( Vọng của người khác với cá nên cảnh giới và môi trường sống khác nhau.) Thấy được cái vọng tức là chúng ta có được Bát Nhã tức là có được trí tuệ chân thật. Từ đó thấu rõ được Ba La Mật là thấy bản tâm vốn thanh tịnh không có tướng mê ngộ. Khi thấu rõ được tự tính thanh tịnh tâm rồi thì theo duyên mà không đổi, không đổi mà theo duyên. Đây cũng là cái ý niệm chính của câu : Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên của Sơ Tổ Trúc Lâm trong bài thơ Cư trần lạc đạo:
"Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên
Đói ăn khát uống mệt nghỉ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh Vô tâm hỏi chi thiền."
Vui đạo ở đây là thấy được bản tâm thanh tịnh, tuỳ duyên là không bị cảnh trần hư huyễn dối gạt. Phải hiểu chữ Duyên của Tổ Trúc Lâm nói là chính Duyên không phải vọng duyên. Đem cái tâm thanh tịnh như thế mà vui sống thì gọi là ...Chiếu Kiến...Lại thấy thế giới hoá hiện như huyễn như hoá không thật và tỏ rõ đó là diệu dụng của Chân Tâm. Pháp tướng hiện là giả tạm nên là vô thường, chỉ có bản tính là bất sinh bất diệt. Dụ như nước bình thường thì ở thể lỏng, khi gặp lạnh thì thành chất rắn là đá, khi gặp nóng thì bốc hơi thành thể khí vô hình. Mặc dù ở hình thái nào thì cái tính ướt của nước cũng không mất đi. Cái tính này là tính bất sinh bất diệt. Tính ướt của nước chính là tính Chân Không, cho nên mới nói: Tính thuỷ Chân Không, tính Không chân Thuỷ ý như vậy gọi tắt là Giai Không. 


Bài viết Quảng Kiến có tham khảo các tài liệu từ: Kinh Viên Giác, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Bài giảng của Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, của HT Thích Thanh Từ, cư sĩ Đồng Tiến…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét