Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

ĐẠO PHẬT

Bàn về chữ "ĐẠO"  PHẬT

---

 Có người thấy chúng tôi thường viết thơ hay viết luận về Phật pháp thì nghĩ là không nên, và cho rằng chưa chứng đạo thì chưa nên nói. Thật ra hiểu vậy là chưa đầy đủ về đạo Phật. 

       Phần nhiều người ta nghe nói đến đạo Phật thì trong trí đã tưởng tượng những phép thần thông có thể làm cho lòng yêu cầu của thế gian đều đạt được mục đích. Lại có người tưởng rằng đạo Phật là môn triết học cao thượng do một bậc hiền triết khác dựng nên. Nhưng thật ra đạo Phật không phải là ở nơi thần thông và cũng không phải là triết học nữa.

       Chúng ta những người Phật tử tu đạo suốt quá trình Văn Tư Tu để đi đến nơi "Bảo Sở" là chỗ không còn phiền não mê lầm. Khi học hỏi, bàn luận về nghĩa Kinh cốt nắm bắt chỗ chân vọng để tư lương để làm nhân, làm duyên cho sự tu hành được Chính. 

Có câu:

" Thiền Đạo vô ngôn, hoa cỏ nói

Kinh thư đa nghĩa, nước trăng cười"

Kinh Phật thuyết có nhiều, gồm kinh liễu nghĩa, kinh bất liễu nghĩa..., nếu sơ suất không suy xét kỹ càng thời "y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan" cho nên khi nói về nghĩa kinh dễ bị nước và trăng nó cười là ý của câu thơ thứ hai.

      Biết vậy nhưng đối với những kẻ hậu học sơ cơ như chúng ta, khi đã có lòng tin Phật, phát tâm nương tựa Tam Bảo, thời phải nghiên cứu kỹ lưỡng giáo lý, tránh như kẻ vớ được bát mật, lo ôm bát chạy, không nhìn đường mà rơi xuống hố hiểm. 

      Tiếp theo chuỗi bài viết chiêm nghiệm về Phật học, hôm nay nhân duyên từ bạn sinh viên có nick FB: Tom Tom, chúng tôi chia sẻ về chữ " Đạo" trong Đạo Phật.

       Nói về Đạo thì có nhiều: đạo ăn, đạo uống, đạo cha con chồng vợ, đạo sinh, đạo tử... Những đạo này xét kỹ đều không cố định, thay đổi theo quan niệm, thay đổi theo vùng miền nên không phải là chữ đạo nhà Phật. Cụ thể, đạo ăn thì ở Trung Quốc khác Nhật Bản, phương Đông khác phương Tây. Xét đạo tử ở các nước Đông Nam Á, khi có người chết thời phải làm lễ khâm liệm, rồi tiến hành chôn cất ( an táng) kỹ lưỡng mới đúng với luân lý, nhưng đạo tử ở Ấn độ thì bỏ xác xuống sông Hằng mới là phải lẽ. 

      Về phương diện tôn giáo, người thờ lửa thì cho người thờ nước là sai. Người thờ thánh thì cho rằng người thờ thần là quấy, nên chữ "đạo" cũng theo đó mà thay đổi, không có thể tính nhất định. Mà không nhất định thì không phải là "đạo" nhà Phật. 

       Xét chữ "đạo" theo nghĩa đen là con đường mới đúng với chữ "đạo" nhà Phật. Con đường ở đây không phải là con đường đi của thân thể mà là con đường tiến hoá của tâm thức, phải có nghĩa lý rõ ràng mới là con đường nhà Phật. Tuy nhiên, lấy đường đi của thân để so sánh cũng không phải là không chính xác. Như thân thể chúng ta muốn đi Sài Gòn thời ta cần phải xác định rõ phương hướng, đang ở miền Trung thì phải đi về phía Nam, nếu đi hướng khác là sai lệch không biết bao giờ mới đến nơi. Trước khi đi phải  tìm hiểu bản đồ, địa lý và nhờ sự hướng dẫn của người từng trải để biết lộ trình với các mốc giới, cảnh quan tại từng điểm đến trên đường đi để tránh lầm đường lạc lối, cứ như vậy mới tới được Sài Gòn một cách chính xác. Tu Đạo Phật cũng như vậy, cần phải học và tìm hiểu kỹ giáo lý, người từng trải ở đây là Đức Phật, người đã đi đến đích cuối cùng, ngài chỉ bày lại cho chúng ta thông qua tam tạng kinh điển. Quá trình học hỏi gọi là tri đạo. Học chắc chắn, đến khi thấy như rõ ràng con đường trước mắt gọi là kiến đạo. Sau đó mới thực hành từng bước, đi đến đâu biết đến đó gọi là tu đạo. Dần dần tiến đến đích cuối cùng là nơi chỉ có khổ không có vui, chỉ có thường không có vô thường, chỉ có thật không có giả... Đó chính là Phật địa. Lộ trình đến đó mới chính là con đường mà chư Phật đã đi và đã đến. 

Xét vậy mới biết Đạo Phật không phải là tôn giáo thần quyền mà là một con đường, để chúng ta đi đến sự giải thoát, cũng gọi là chứng quả Niết Bàn.

Niết Bàn là quá trình tu hành để thành tựu được ba đức sau:

1- Đại Pháp thân: vô tướng vô vi là nhập một với pháp giới tính

2- Đại Bát Nhã là trí tuệ soi rõ, cùng tột nguồn gốc của các pháp

3- Đại giải thoát là lìa các tập nhân, dứt sạch chủng tử phiền não, rời hai món ngã chấp và pháp chấp. 

Ba đức vô thượng Niết Bàn này phải tự thân mỗi người dụng công tu hành, vì không có ai đi thay chúng ta được. Cho nên:

Mọi sự đều phải tự ta

Cơm ăn áo mặc cũng thế mà

Đường xa vạn dặm đi là tới

Muôn nẻo luân hồi: bước chân ra!


( Quảng Kiến Nguyễn Việt Hồng )




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét