Chư pháp thật tướng gồm tính tướng thể dụng. Tướng cộng với tính là Thể, thể có Lực tạo ra Tác dụng có Quả Báo. Tất cả đều có nguyên Nhân. Quá trình như thế gọi là Duyên... Trùng trùng như vậy là điều kiện giúp cho một sự vật mới xuất hiện và chuyển biến, Đạo Phật gọi đó là tính bản nhiên của pháp giới, là luật Nhân Quả.
Nhân duyên người bạn hỏi về góc nhìn nhân quả tu hành thông qua lá số tử vi. Nay thuận theo pháp thế gian, cùng bàn về phương diện lý số. Lâu nay chúng tôi có học được phép xem căn cơ tu hành truyền lại của Tổ sư Thiện Vô Uý Đường Tam Tạng, ngài là người đầu tiên truyền mật tông vào Trung Quốc. Sau khi nghiên cứu về kinh dịch, tử vi, Tổ sư kết hợp với phép thiên văn của Ấn độ cổ mà chế ra pháp gọi là " tuyển tăng đồ" để phương tiện làm căn cứ cho việc dự đoán nhân duyên tu hành thuận nghịch của người đời. Phép này căn cứ vào ngày tháng năm sinh và giờ sinh cụ thể mà an liên tiến trên 12 cung địa chi từ cung Tý đến cung Hợi, cụ thể từ sao Thiên Quý, Thiên Ách, Thiên Quyền... Đến sao Thiên thọ. Các sao dự báo tốt có, dự báo xấu có 6. Xét về căn cơ tu hành thì người nào có nhiều sao tốt quá hay xấu quá thời khó tu, những sao không xấu không tốt như Thiên Cô, Thiên Di... thì dễ tu hơn, đây cũng là cái lý trung đạo nhà Phật. Còn những người sao xấu như Thiên Ách, Thiên Nan... muốn tu thì phải rất cố gắng để vượt các chướng ngại thế gian. Những người nhiều sao tốt báo hiệu sự sung túc đầy đủ ở thế gian có sao Thiên Quyền, Thiên Nghệ... muốn tu xuất thế gian thời phải có tâm xả bỏ. Đặc biệt, đối với những người có ít căn duyên tu hành nếu phát tâm kiên cố thì cái khổ cái sướng về mặt thế gian đó lại chính là Tăng thượng duyên rất tốt giúp cho Chính nhân sớm thành Chính Quả. Như vậy sự tu chứng cốt lõi vẫn là ở cái tâm giác ngộ mà tinh tiến trong đời hiện tại.
Việc thông hiểu các pháp môn thế gian về toán số cũng chỉ là phương tiện thuộc Công xảo minh trong Ngũ Minh.
Về tử vi lý số là pháp thế gian nói về phép dự đoán tương lai của con người thông qua ý nghĩa của 108 sao, an vị căn cứ theo ngày tháng năm sinh cụ thể của mỗi người. Cấu trúc của một lá sô tử vi gồm 12 cung, từ cung mệnh đến cung huynh đệ. 12 cung này cũng theo luật bát quái ngũ hành mà có. Tử vi, tướng số đều theo 16 đức và hư đức của 8 quẻ bát quái mà biểu hiện tốt xấu.
Các vị hành tướng pháp thường nói " vô tướng, hữu tâm. Tướng tuỳ tâm sinh. Hữu tướng, vô tâm. Tướng tuỳ tâm diệt". Nghĩa là: tướng xấu nhưng tâm thiện thì tướng tốt theo tâm thiện đó mà sinh. Có tướng tốt nhưng ác tâm thì tướng theo ác tâm mà xấu.
Môn tử vi thuộc phép Lý Số, trong đó Số gồm số ngày, tháng, năm sinh, giờ sinh. Các số này là số không đổi chứ không phải là số mệnh con người không đổi. Lý là nghĩa lý của con người, đó là các giá trị sống, nếu sống theo nghĩa lý đó thì cuộc sống từ vật chất đến tinh thần sẽ được mọi bề tốt đẹp. Mà mọi sự trọn vẹn thì cái Lý đã quyết định được cái Số.
Lý là nói về nghĩa lý, con người ta sinh ra cần phải phải sống cho hợp với luân lý để làm nhân làm duyên từ thế gian xuất thế gian. Bàn về hai chữ luân lý, chữ " luân" có nghĩa là trật tự, luân lý là nghĩa lý hay nguyên tắc sống, là trật tự làm cho xã hội con người được ổn định phát triển, trên dưới, lớn bé rõ ràng không lộn xộn. Như Bậc Cha Mẹ đối với con cái theo chữ từ, con với cha mẹ theo chữ hiếu, anh phải thuận, em phải kính, vợ chồng phải hoà... gọi là ngũ thường.
Chúng ta sinh ra và phát triển có đầy đủ tính cách, các đức tính này không tự nhiên có, mà do sự huân tập từ lâu đời. Theo luật nhân quả luân hồi, những người nào có nhiều đời nhiều kiếp thường thực hành hạnh phóng sinh và giữ giới bất sát sinh thì đời này được Nhân đức thể hiện ở tướng hình là cằm trên mặt được tròn hơi vuông, hồng, sáng, cao. Cuộc sống thế gian được thuận lợi. Lễ đức là do nhiều đời kiếp trước đã giữ giới chung thuỷ trong quan hệ vợ chồng, bạn bè, cha mẹ, con cháu, giữ trọn vẹn giới bất tà dâm, một trong ngũ giới. Nghĩa đức là nhiều đời trước đã thường hay cúng dàng và làm việc bố thí, lại giữ giới bất thâu đạo. Tín đức là do nhiều đời kiếp trước đã nói lời thật thà, giữ giới bất vọng ngữ...Nhân, Lễ ,Nghĩa, Trí, Tín này gọi là ngũ đức. Các đức tính này sẽ thể hiện ở tướng hình và trong lá số tử vi của mỗi người. Như: cung bản mệnh có sao báo hiệu xấu quẻ Càn là có bệnh về óc, dây thần kinh, tính tình kiêu ngạo, có thể có ác kiến ( thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến, tà kiến ). Đây là ngược lại với quẻ Càn chân kim chữ Kiện ( Khoẻ ) là chữ Nhược hư kim là yếu. Ba sao đó là: Địa kiếp, Kình dương, Đà la. Ba sao quẻ Đoài báo hiệu xấu gây nên sự buồn rầu (ai) ngược lại với chân Kim của quẻ Đoài là chữ Duyệt ( vui). Gây nên bệnh về loing tóc, viêm xoang, viêm phổi. Ba sao đó là: Kiếp sát, Đại Hao, Điếu khách...
Ví dụ cụ thể lá số cung mệnh có sao: Ân quang, Thiên không, Đào hoa, phá toái. Luận theo thật đức và hư đức của các sao về bệnh tật có dự báo như sau: Ân quang thuộc Hoả tại Dậu kim là bình địa có nghĩa là được ân huệ, giúp đỡ của người trên. Sao Thiên Không báo hiệu tai hoạ về gió và nước với những người làm việc ác. Sao Đào Hoa là sự tốt đẹp khi được các thuên thần cứu giúp, sự được người khác giới yêu mến. Sao Phá toái thuộc quẻ Dương Mộc quẻ Chấn báo hiệu sự mắc các bệnh về mật, bệnh viêm họng.
Như vậy việc xem tướng hình hay lá số tử vi chính là việc xem dự báo cái quả đời này từ cái nhân của các đời kiếp trước ( biệt nghiệp ). Nhiều người sai lầm coi tử vi từ lá số đã quyết định sướng khổ, lợi này hoạ nọ là không đổi. Hiểu như thế là sai, cũng như thấy: Nhà bác học thường hay đãng trí, lại nhầm lẫn mà quyết định rằng: những người lãng trí là bác học!!!. Cái lẫn đó bởi họ chưa hiểu biết về luật nhân quả, hạt giống xấu nhưng chăm bón tốt thì sẽ ra quả tốt hơn hạt giống tốt mà ko chăm bón.
Khi bàn tới luật nhân quả luân hồi. Có người hỏi, đời người có khi làm thiện có khi làm ác, lẫn lộn các nghiệp như thế thì biết theo nghiệp nào để đầu thai?. Về phần có ảnh hưởng đầu thai có thể chia theo thứ tự nghiệp nhân ra làm bốn món là: 1- Cực trọng nghiệp: trong đời có làm một nghiệp lành hay nghiệp dữ to tát lớn lao, thời phải đầu thai theo nghiệp đó. 2- Cận tử nghiệp: xu hướng nghiệp làmh hay dữ giai đoạn gần chết, 3- Tập quán nghiệp: nghiệp theo thói quen hàng ngày ưa việc chi, làm việc chi, xu hướng theo đó mà đầu thai, 4- Tích luỹ nghiệp: tức là nghiệp đời trước để lại.
Phép tử vi lý số chỉ dự đoán được phần nào về nghiệp nhân chứ khó nói hết về quả báo. Bởi giống nghiệp đời trước có thể được bồi bổ cho lớn thêm hay bị tiêu diệt đi ở việc làm lành hay làm dữ trong đời hiện tại. Đó là chỗ thọ báo không nhất định, điều này bác đi cái luận thuyết cho rằng số con người là ko đổi đã an bài. Hiểu như vậy là rơi vào thuyết ngoại đạo ( thường kiến thượng đế và đoạn diệt kiến).
Các thiên tinh ( sao tử vi) chiếu tại các cung tử vi được coi là dự báo biệt nghiệp. Biệt nghiệp là quả báo đã gây ra từ trước. Để biết được tử vi tốt xấu và nguyên nhân của sự tốt xấu đó, chúng ta cần phải hiểu đúng về nghiệp, để từ đó mà điều chỉnh thói quen giúp chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt.
Bàn về Nghiệp:
Nói về phạm vi của nghiệp thì rất to lớn, trời đất cỏ cây muôn loài đều do nghiệp sinh ra, đều theo nghiệp mà chuyển biến. Ăn cũng nghiệp, thất tình, lục dục, tam cương, ngũ thường, thời gian từ vô thuỷ cho tới vô chung, không gian từ vô biên vi tế cho tới vi trần, cái gì cũng tự nghiệp mình sinh ra. Năng lực của nghiệp to tát như vậy, mà thật ra nghiệp không phải tự có, không tự có mà có, là vì tâm mình còn mê. Tâm chúng ta vốn thanh tịnh, tuy hiện ra vạn thức mà vẫn một thể chân như, vì ko biết chân như mà sinh ra manh tâm ( bất giác ) chia bờ rẽ bạn, có thân sơ, nhân ngã. Đã manh tâm thì có nghiệp, mà có nghiệp thì muôn vật hiện ra đó cả. Chân tâm vốn thanh tịnh, manh tâm ra thì Chân tâm biến thành tạng thức. Tạng thức là cái kho chứa, chúng ta có suy nghĩ, có hành động thời cái giống nghiệp ấy chất chứa vào trong tạng thức. ( tạng là chứa, thức là tính biết). Cái kho vô tận này ta chứa vàng thì được vàng chứa thóc thì được thóc. Cho nên ở đời làm ác thì hưởng lại cái ác, hành thiện thì được an vui, đều cũng từ tạng thức huân tập và phát khởi. Mê thì tâm biến thành tạng thức, ngộ thì tạng thức là Tâm. Tâm cũng như gương, ác như bụi, lành như nước, dội vào thì gương sáng, đeo bụi mãi thì mờ, gương sáng thì bóng được rõ ràng, gương tối thì bóng phải ám. Từ chư thiên cho tới địa ngục, vẫn là một tâm, tâm sáng láng thì cảnh giới tươi đẹp, tâm lờ mờ thì cảnh giới khổ não, tuy không ai thưởng phạt mà tựu chung vẫn có thưởng phạt rõ ràng.
Tóm lại, cái lá số tử vi có tốt hay không tốt cũng là dự báo phần nào của biệt NGHIỆP. Mà đời này của chúng ta muốn có vui nhiều buồn ít, có sướng không có khổ thời phải xem ở cách chúng ta xử lý cái nghiệp thế nào, huân tập thiện ác vào tạng thức ra sao. Như Kinh Lăng Nghiêm có câu: " Nhất nhân phát chân quy nguyên, thập phương thế giới tận thành tiêu vẫn", hễ ngộ được tâm rồi thì chi chi cũng là tâm, còn đâu mà sắc mà không, còn đâu mà thập phương, mà thế giới. Mà để ngộ được tâm chúng ta phải phát tâm tinh tiến tu theo các pháp môn của chư Phật chỉ bày để chứng được cái bản tâm vốn có, Ngộ như vậy thì ba nghiệp dứt sạch, nghiệp dứt thì hết khổ, bốn đức từ bi hỉ xả hiện tiền.
Chon nên:
Không chỗ đến đi không chốn về
Đạo đâu có "hữu" để tung hê
Ngày ngày chính niệm thường tinh tiến
Chưa được Pháp-Thân cũng Bồ-Đề.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét